Trang chủ » Người tạc tượng Phật ở ấp Chánh

Người tạc tượng Phật ở ấp Chánh

by Khánh Cường
412 views

Đến ấp Chánh (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An), hỏi anh Tuấn Anh, người khắc tượng Phật, làm đèn đá, bao lam, thủ quyển cho các chùa, không ai là không biết. Anh nổi tiếng vì rất có hoa tay chạm trổ nhưng chưa bao giờ nhận tiền công khi làm các pháp khí phụng trì Tam bảo…

Tạc tượng Phật cúng dường

Tôi tìm đến nhà anh vào một buổi chiều sụp nắng nhưng tại đây vẫn đông người, có người đến đặt tượng, có người đến để nhận tượng, người ở gần, người ở tận miền ngược, miền xuôi. Sư cô Tâm An ở Vũng Tàu bộc bạch: “Đầu năm, đi hành hương ở Bình Thuận, thấy tượng Phật làm bằng gỗ, hoa văn rất thanh thoát, thích quá tôi phát tâm tạc tượng Tam thế Phật để cúng dường cho một ngôi chùa đang cần.

Lần hỏi mấy tháng, tôi mới biết Tuấn Anh là người tạo ra bức tượng trên, tôi vội bắt xe đò xuống đây. Mặc dù anh tạc tượng bằng công cụ, máy móc thô sơ, chủ yếu thủ công nhưng tôi rất tin tưởng. Bữa nay xuống lấy tượng, tôi ưng ý lắm, tượng rất có hồn, rất đẹp, nhìn vào là hoan hỷ ngay”.

Bai-(3)
Chùa Phước Hải ở ấp Chánh

Kể về duyên đến với nghề, anh Tuấn Anh nhớ lại: “Đó là năm tôi 16 tuổi, nhà nghèo, tôi đi học nghề, còn mẹ thì ở nhà trông chùa Phước Hải của ông ngoại để lại. Lúc đi học nghề được 1 tháng, thấy tôi ngồi đục đục các gốc cây một hồi là ra hình tướng của Đức Phật, trùng với lúc có khách đặt tượng Quan Âm, làm không kịp hàng nên chủ xưởng liều mình giao cho tôi tạc tượng. Tượng cao một mét hai. Tôi tạc chưa được một tuần là hoàn tất. Khách hàng thấy thích quá, ai cũng khen tạc tượng có hồn, từ ngày đó chủ xưởng giao tượng cho tôi tạc, xen kẽ với làm hoành phi, tạc tứ linh cho chùa”.

Tạc tượng Phật làm công quả, đến lúc thấm dần lời kinh tiếng kệ, năm 25 tuổi, anh đưa gia đình nhỏ của mình về nhà sống với mẹ; một phần cũng là gần Tam bảo. Từ ngày anh về nhà, Phật tử, các chùa chiền tìm đến nhờ anh tạc tượng nhiều hơn. Vì tất cả các hàng đặt, anh đều lấy tiền công, trừ tượng Phật, pháp khí nhà chùa nên các chùa thường đến nhờ anh giúp. Từ ngày biết cầm cái đục, cái khoan cho đến bây giờ đã 45 tuổi, anh không nhớ mình đã tạc được bao nhiêu tượng Phật, cúng dường bao nhiêu ngôi chùa, chỉ biết là đếm không xuể.

Không chỉ đến tìm anh để đặt tượng, mà người ta còn đến nhờ anh làm giúp đèn đá. Trong tỉnh Long An, dường như các ngôi chùa ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức… đều có 2 cây đèn đá ngoài điện Quan Âm, chạm rất tinh xảo, cổ kính. Điều đặc biệt là, đèn đá chỉ đốt đèn dầu chứ không luồn dây điện, tạo cảm giác rất linh thiêng, hồn quê chân chất. Chùa nào cần là anh làm cúng dường chứ không lấy tiền. Thấy anh đúc đèn, vận chuyển vất vả, có nhiều chùa muốn phụ ít tiền vật liệu, cát, xi-măng nhưng anh đều nhất quyết không nhận.

“Ông từ” giữ chùa làng

Ông Út, 95 tuổi kể: “Tuấn Anh là hậu duệ của ông Bảy, ở làng này ai cũng nể nang, quý nó hết. Ông Bảy là người thành lập ra ngôi chùa Phước Hải ở ấp Chánh. Năm 1945, chiến tranh loạn lạc, dân làng chưa biết niệm Phật, ông đã về mảnh đất này lập thất, cất chùa để bà con cùng nhau tu tập. Khi ông Bảy mất, mẹ của Tuấn Anh quản lý, gìn giữ từng tấc đất cho chùa; giờ thì truyền lại cho Tuấn Anh. Ông Bảy thương người bao nhiêu, thằng Tuấn Anh cũng thương người bấy nhiêu, tâm từ hệt như ông Bảy”.

Bai-(2)
Anh Tuấn Anh, người tạc tượng Phật, đèn đá cúng dường

Bác Sáu Tốt bảo: “Chùa làng quê tuy nhỏ bé nhưng là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của nhiều thế hệ từ ông, cha, đến đời của tôi, giờ thì đến đời con cháu”.

Nói về ngôi chùa anh đang quản lý (có tên trong danh mục chùa thuộc BTS GHPGVN tỉnh Long An), anh cho biết: “Chùa là của dân làng, chứ không phải của tôi. Hiện tại, tôi chỉ là người đứng tên giấy phép hợp pháp. Tôi quan niệm, ông ngoại đã cất công, trồng cây bồ-đề, để lại cho dân làng. Nhiệm vụ của con cháu và thế hệ hậu lai là làm thế nào vun vén, chăm sóc để cây bồ-đề tỏa bóng mát. Noi theo gương của ông ngoại, tôi muốn làm điều gì đó có ích cho dân làng chứ không muốn “bán” bảng hiệu chùa, đi ngược lại nguyện vọng lúc lập thất, cất chùa của ông ngoại”.

Cũng vì lẽ đó mà hai vợ chồng anh làm được bao nhiêu tiền là lo sửa sang chùa, nhận dạy nghề tạc tượng cho người có duyên với cửa thiền. Nhiều khóa tu niệm Phật, niệm danh hiệu Quan Thế Âm diễn ra, bà già, ông lão trong làng đều thích.

Tới ngày rằm, ngày vía là bà con chòm xóm tụ về, người đem trái mướp, nải chuối, người đem vài tai nấm nở, ký đậu, ký đường, quày dừa khô, bí rợ để nấu chè, nấu cháo, làm bánh cúng Phật. Từ thời xưa đến giờ, chùa không có thùng Tam bảo nên bà con về chùa, ai cũng đem về một món để cùng nhau có phước.

“Chúng tôi quý Tuấn Anh vì cháu hiền, sống chan hòa, gần gũi nên người nghèo, người giàu ai về chùa cũng đều hoan hỷ. Hậu duệ của ông Bảy luôn tạo điều kiện để bà con nơi đây gieo duyên với Tam bảo”, rất nhiều cụ lớn tuổi ngụ ở ấp Chánh nói về anh Tuấn Anh như thế…

Hạnh Ý (Theo Báo Giác Ngộ)

Đánh giá

Bài viết liên quan